Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo gần ngày thông xe - Vĩnh Hưng hoàn thiện cung cấp gần 1.200 gối chậu và 1.400 mét khe co giãn
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 9/2021 và dự kiến được khánh thành vào ngày 30 tháng 4 năm 2024. Tuyến cao tốc đưa vào khai thác có 4 làn xe, mỗi bên 2 làn, cho phép ôtô chạy tốc độ tối đa 90 km/h, tối thiểu 60 km/h. Khi khánh thành sẽ kết nối đoạn cuối cùng để tạo thành đường cao tốc hoàn chỉnh kết nối trực tiếp TP Hồ Chí Minh đến Nha Trang.
Vĩnh Hưng cung cấp gần 1.200 chiếc gối chậu và 1.400 mét khe co giãn
Từ năm 2023 đến nay, Vĩnh Hưng đã hoàn thiện cung cấp cho dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo gần 1.200 chiếc gối chậu và 1.400 mét khe co giãn do nhà máy Vĩnh Hưng IP sản xuất. Bên cạnh đó, Vĩnh Hưng cũng là đơn vị cung cấp tường chắn có cốt, cáp và neo dự ứng lực cho dự án.
Các sản phẩm do Vĩnh Hưng sản xuất được thực hiện bởi đội ngũ kĩ sư, nhân công tay nghề cao như: nhân sự hàn được đánh giá và công nhận bởi Hiệp hội hàn Mỹ theo tiêu chuẩn AWS, nhân sự kiểm tra không phá hủy (NDT) có trình độ đáp ứng tiêu chuẩn ISO 9712.
Trong suốt quá trình sản xuất, từ khâu kiểm soát nguồn nguyên vật liệu tới từng công đoạn sản xuất đều được kiểm soát nghiêm ngặt bởi đội ngũ QC của Vĩnh Hưng. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng của sản phẩm được thí nghiệm tại phòng thí nghiệm chuyên biệt của nhà máy Vĩnh Hưng IP và phòng thí nghiệm vật tư thiết bị cầu đường quốc gia thuộc Viện chuyên ngành cơ khí tự động hóa đo lường thuộc Bộ Giao thông.
Điểm ấn tượng trên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo
Hầm đường bộ dài thứ tư cả nước
Hạng mục quan trọng nhất của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là hầm núi Vung. Hầm núi Vung có chiều dài 2,25 km gồm hai ống hầm. Mỗi ống hầm có ba làn xe, bề rộng 14 m. Hầm núi Vung được thông vào tháng 8-2023. Đây là hầm đường bộ dài nhất cao tốc Bắc - Nam và dài thứ tư cả nước.
Ứng dụng năng lượng mặt trời
Dọc đường, các cụm thiết bị ITS và camera được vận hành bằng các tấm pin năng lượng mặt trời đã lắp đặt. Mặt đường láng nhựa, kẻ vạch sơn trắng phân làn, trên dải phân cách cứng giữa tuyến có lắp đặt các tấm lưới sắt chống loá cho tài xế vào ban đêm.
Cầu vượt núi cao nhất trên tuyến
Cầu số 3 - Km60 là cầu có trụ cao 47m là cây cầu cao nhất trên toàn tuyến Cam Lâm – Vĩnh Hảo, độ tĩnh không trên 47m, dài 894m, nằm vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối hai tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận
Cánh đồng điện gió đẹp mắt
Đoạn ở phía bắc tỉnh Ninh Thuận nối với cao tốc Cam Lâm - Nha Trang (Khánh Hoà). Cung đường mới chạy qua các cánh đồng điện gió ở miền núi huyện Thuận Bắc tạo nên đặc trưng cho đoạn cao tốc này. Dưới chân các trụ điện gió khổng lồ là các ruộng lúa của người dân địa phương.
Khu vực đầu tỉnh Ninh Thuận giáp với Khánh Hoà có nhiều đồi núi, do vậy cao tốc qua đây phải xẻ núi, một số nơi có độ dốc và uốn cong dựa theo địa hình tuyến đi qua.
Nguồn ảnh: Vnexpress.com