VI / EN
Trên công trường sửa chữa mặt cầu Thăng Long - VĨNH HƯNG JSC

Vĩnh Hưng 360 o

Trên công trường sửa chữa mặt cầu Thăng Long

03/11/2020 17:00:20
Sau gần 2 tháng kể từ ngày khởi công (ngày 16-8-2020), hàng trăm kỹ sư, công nhân trên công trường thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long luôn phải căng mình làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt.

Mục tiêu là kịp hoàn thành dự án vào cuối năm 2020, khớp nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long, tạo thành trục giao thông xuyên suốt kết nối trung tâm thành phố đến Sân bay Nội Bài và các khu vực lân cận. Dưới đây là ghi nhận của phóng viên Báo Hà Nội mới trên công trường.

Liên tục trong gần 2 tháng qua, khoảng 270 kỹ sư, công nhân của liên danh nhà thầu Thành Hưng – Vĩnh Hưng – Phương Thành – Thuận An thường xuyên bám trụ công trường, thi công 3 ca liên tục (24/24h) để kịp hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết (cuối tháng 12-2020).

Từng tốp công nhân đang tập trung thực hiện các phần việc khác nhau. Tốp thì cào bóc lớp bê tông cũ trên mặt cầu, tốp khác hàn các đinh neo trên mặt cầu tại các vị trí đã được cào bóc và vệ sinh sạch sẽ. Anh Nguyễn Văn Tuấn (quê ở huyện Đan Phượng – Hà Nội), Tổ trưởng tổ công nhân thuộc nhà thầu Vĩnh Hưng cho biết, dù anh em công nhân liên tục bám sát công trường và làm việc cả ngày cuối tuần, song thời tiết thất thường đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ. Đặc biệt vào những ngày mưa to, gió lớn, công trường phải tạm nghỉ để bảo đảm an toàn. Những ngày đầu tháng 10-2020, thời tiết Thủ đô đã dịu mát hơn nên công nhân đỡ vất vả.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 269 tỷ đồng. Trong lần đại tu thứ ba này, cầu Thăng Long được bóc sạch lớp bê tông, lớp keo dính hiện hữu để phủ lại bề mặt bằng công nghệ mới. An toàn – chất lượng – tiến độ luôn là yêu cầu được chủ đầu tư cũng như các đơn vị tư vấn, nhà thầu nghiêm túc thực hiện. Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Ban Điều hành liên danh nhà thầu cho biết, sau khi cào bóc và vệ sinh bề mặt cầu, nhà thầu phải hàn tổng cộng 1,5 triệu chiếc đinh neo lên bề mặt cầu. Đến thời điểm này, khối lượng công việc đã đạt khoảng 15%.

Các trạm trộn bê tông siêu tính năng được đầu tư mới hoàn toàn. Nhiều công nghệ hiện đại được áp dụng trong lần sửa chữa lớn này, trong đó có những công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như công nghệ hàn Plasma, kết nối giữa bản thép bề mặt cầu với lớp bê tông nhựa siêu tính năng... Trước khi triển khai đại trà, công nghệ mới này đã được thử nghiệm cho kết quả tốt. Theo các chuyên gia, với công nghệ này, công trình sẽ có độ bền ít nhất 10 năm.

Sau khi hoàn thành, cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch – Nam Thăng Long vừa được Bộ Giao thông – Vận tải đầu tư xây dựng, khơi thông tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội đến sân bay Nội Bài và các tỉnh lân cận, góp phần giảm ùn tắc cho các khu vực nội đô.

Theo: Tuấn Lương (Báo hanoimoi.com)